Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Nguyên Giáp - Huyện Tứ Kỳ

23/4/2023  |  English  |  中文

Di tích, danh thắng - Xã Nguyên Giáp

​Chùa An Quý (Chùa Bảo Ân) được công nhận Di tích lịch sử Văn hoá cấp tỉnh năm 2004

Ngôi chùa có lịch sử hình thành trên 300 năm

​Chùa An Quý là tên gọi theo địa danh của thôn trước đây, tên chữ là Bảo Ân Tự (Chùa Bảo Ân). Chùa hiện nay thuộc xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. An Quý là một làng cổ, nằm phía Đông Nam huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, một vùng đất có lịch sử tạo dựng và phát triển sớm, một vùng đất hiểm yếu, án ngữ đường thủy, đường bộ tuyến Sông Luộc và đường 17Dư (Nay là tỉnh lộ 391). Đặc sản của làng là bún, bún An Quý bán khắp các chợ khu hạ Tứ Kỳ.

Đường dẫn đến chùa An Quý (chùa Bảo Ân): https://goo.gl/maps/ikYDJfRzEzduNmNM9

Từ xa xưa mảnh đất này đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc, trong suốt quá trình hình thành và phát triển của đất nước. Địa lý, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên đã tác động mạnh mẽ đến nội dung giá trị lịch sử của di tích lịch sử văn hóa của làng An Quý trong đó có ngôi Chùa Bảo Ân.
1chua aq.jpg

 Hình ảnh chùa An Quý (Chùa Bảo Ân)

Căn cứ nguồn tư liệu thành văn hiện còn lưu tại chùa như : tấm bia đá màu Xám xanh có ghi: Sùng tu Bảo Ân tự bi - Tín thí công đức danh ký Đá, Năm Kỷ Mão Lê triều Chính Hòa thứ 20 niên hiệu (1699), có thể đoán định niên đại khởi dựng ngôi chùa ít nhất là thời gian trước năm 1699.

Hiện nay Chùa còn lưu trữ một chuông đồng thời Nguyễn (Thế kỷ XIX).​
3chua aq.jpg

Hình ảnh Chuông đồng tại chùa

Chùa được trùng tu lớn vào thời Nhà Nguyễn. Kiến trúc vật chất của chùa hiện nay là sản phẩm của lần tu sửa lớn vào thời triều Bảo Đại (Niên hiệu 1939) và được sửa chữa những năm gần đây. Cũng như nhiều ngôi chùa khác trong vùng, chùa An Quý được xây dựng để thờ Phật nhằm thỏa mãn nhu cầu văn hóa tâm linh của cộng đồng dân cư. Chùa là nơi thờ Phật, một tôn giáo được du nhập vào nước ta ngay từ những thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ VI sau Công Nguyên.Chùa An Quý cũng như các chùa làng khác trong vùng đều thờ Phật theo phái Đại thừa, thờ Tổ, thờ Mẫu theo tín ngưỡng dân gian, thể hiện đạo lý “ uống nước nhớ nguồn". Những di vật văn hóa hiện còn trong chùa, cùng bộ tượng trong chùa và các công trình kiến trúc hiện còn là những căn cứ minh chứng về nguồn gốc lịch sử, sự biến động đổi thay của ngôi chùa trong lịch sử dân tộc. Chùa An Quý được xây trên khu đất rộng cách tỉnh lộ 391là 200m, đây là con đường huyết mạch nối liền Quốc lộ 10 (Phố Quý Cao) với Quốc lộ 37 (thị trấn Ninh Giang). Chùa cách quốc lộ 10 khoảng 1,5 km, đây là con đường huyết mạch nối liền các tỉnh phía Bắc. Chùa có quy mô bề thế khang trang so với một số ngôi chùa khác trong vùng. Các công trình kiến trúc của chùa được quy hoạch tập trung theo chiều sâu, trong không gian rộng với diện tích là 2553,2m2. Nếp nhà cổ ẩn mình dưới những tán cây ăn quả bốn mùa xanh tốt tạo cho cảnh quan của chùa thêm sự thâm nghiêm. Chùa quay về hướng Đông Nam gồm các công trình kiến trúc: cổng, nhà tiền đường thờ tháp Phật, thờ Mẫu; nhà thờ tổ; nhà khách.

Năm 1950 do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, ngôi chùa bị phá nhiều phần. Chùa nằm gần Bến phà Quý Cao điểm giao thông đường bộ quốc lộ 10, là tiêu điểm ném bom của không quân Mỹ , bom ném cách chùa 200m về phía đông nhưng các công trình kiến trúc của chùa không bị hư hại gì. Những công trình kiến trúc hiện nay là sản phẩm của những lần đại trùng tu vào những năm gần đây nhưng mang đậm phong vị kiến trúc tôn giáo truyền thống. Các vị sư trụ trì chùa đều là những người có tâm huyết, đạo pháp và lòng yêu nước.

Sư cụ Đàm Xuyên đã tham gia hoạt động cách mạng (Cung cấp lương thực, thực phẩm và che dấu cán bộ). Trong kháng chiến chống Pháp, Thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945, chùa An Quý là một cơ sở cách mạng của xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ. Với những công lao đóng góp cho cuộc kháng chiến, sư cụ Đàm Xuyên đã được Chính Phủ tặng thưởng huy chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhì.

Hiện nay chùa An Quý do Đại Đức Thích Thanh Trung Kế đăng trụ tri từ năm 1996 và có quyết định trụ trì của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương từ năm 2018.

Do điều kiện kinh tế khó khăn, Cổng chùa xây dựng từ năm 2004 đến nay chưa được xây dựng mới, kiến trúc cổng theo chiều dọc nhìn ra đường liên xã.

Trước cổng là một giếng Chùa, qua cổng dẫn vào khu sân vườn được bố cục hài hòa với các công trình kế tiếp. Trong sân chùa đặt tấm bia đá dẹt kích thước (113,5 x 75 x 17) cm, dựng thẳng đứng thể hiện sự bền bỉ và sức sống trường tồn trong tín ngưỡng tôn giáo.

Nhà tiền đường xây kiểu cổ một tầng, mái lợp ngói ta, ba khuôn cửa đại kiểu cửa huỳnh bằng gỗ lim.

 5chua aq.jpg

 Hình ảnh cửa nhà Tiền đường

Bộ khung đỡ mái bằng gỗ lim vững chắc, các bộ vì kèo kết cấu kiểu “ thượng chồng rường hạ bẩy", các đầu tầu bẩy ở phía trước cửa tiền đường khắc hình chữ thọ để khẳng định sự trường tồn trong tín ngưỡng tôn giáo.

Bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, ba góc trên của bờ nóc đắp hình tượng ba con Kìm chầu, đây là biểu tượng văn hoá truyền đạt ý tưởng khi con Kìm đạp nước thì có mưa xuống với dụng ý để tránh hoả hoạn trong chùa, giữa mái là Mặt nguyệt âm dương.
7chua aq.jpg

Hình ảnh Con Kìm trên bờ nóc nóc nhà Tiền đường

Trên hai trụ cột trước hiên nhà (cột đèn), mỗi bên được đắp một tượng nghê trong tư thế đăng đối.

 8chua aq.jpg

Hình ảnh Con Nghê trên cột đèn hiên nhà Tiền đường

Nền nhà cao hơn mặt sân 0,3m, nền nhà lát gạch vuông màu đỏ. Nhà Tiền đường quay hướng Đông Nam. Phía trước nhà tiền đường các cột gỗ đỡ mái bằng gỗ lim tròn đặt trên chân đá tròn cổ bồng hoa sen. Phía Hậu cung cột đỡ mái bằng gỗ lim hình hộp vuông, chân đá vuông. Trên Thượng nóc nhà ghi dòng chữ Hán: Hoàng Triều Bảo Đại Tuế Thứ Kỷ Mão Niên Trọng Đông Thập Nhất Nguyệt Nhị Thập Thụ Trụ Thương Lương Đại Cát Xương.
9chua aq.jpg

 Hình ảnh Thượng nóc nhà Tiền đường

Gian thờ Mẫu nằm cạnh gian hậu cung, là Ban thờ Tam toà thánh mẫu gồm các pho tượng Ngọc Hoàng Thượng đế và Nam Tào Bắc Đẩu.

Ban Đức chúa ông gồm các pho tượng Đức chúa ông, Thập Bát Long Thần, Già Nam Chân Tể. Ban địa Tạng vương Bồ tát và Ban Tử ân. Bên phải là Ban Đức thánh hiền thờ pho tượng Phổ Hiền Vương Bồ Tát

Phía sau là Ban Chính tam bảo (Ba ngôi báu).

Trên cùng là ba pho Tam thế: pho Di Đà, pho Thích Ca Mô Ni, pho Phật Di Lặc. Tiếp theo là pho Phật Thế Tôn, A Nan Ca Diếp, Quan Âm + Thế Trí (Quan âm Thế trí Thị Di Đà); Phật Mẫu chuẩn đề gồm Kim Đồng, Ngọc Nữ, Thị giả; Toà Cửu long (Chín rồng) một bên là Di Lặc, một bên là Tuyết Xương. Dưới cùng là bảy pho tượng Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật.

 

Cửa Ban Tam Bảo treo hai câu đối bằng gỗ phẳng, sơn son thiếp vàng, nền đen trơn, chữ màu vàng nổi, hai đầu trên và dưới trạm dây triện vuông, hai đầu trên có tua rủ xuống với nội dung câu đối như sau:

Nhập Tự Vi Ni Truyền Thế Thái

Xuất Gia Thành Tổ Hệ Nhân Tư

Dịch nghĩa là:                                             Vào chùa làm sư lưu truyền muôn đời

                                                                  Xuất gia thành tổ được dân ghi nhớ

Trong Tiền đường có ba bức Đại tự (Hoành phi) làm bằng gỗ tốt được sơn son thiếp vàng, nền đỏ thẫm trơn, chữ vàng nổi, diềm xung quanh chạm dây hoa vân xoắn cách ô nan thúng cách điệu, bốn góc ô nan thúng: Bức giữa ghi bốn chữ Phật Pháp Tăng Bảo, Bức trái ghi Dân An Dĩ Quý, Bức phải ghi Pháp Phái Lưu Trường (Dịch nghĩa là: Lưu truyền lâu dài dòng pháp phật).

Nhà tổ ở phía sau chùa, xây dựng năm 2001, xây năm gian kiểu thường thu hồi, mái lợp ngói tây, trong nhà thờ tổ xây một ban thờ, thờ vọng các Tổ Sư.

Nhà khách ba gian được xây dựng năm 2006, sửa chữa năm 2022 dùng để tiếp khách thập phương, cách xa khu nhà Tiền đường để đảm bảm sự yên tĩnh khi nhà chùa làm lễ.

Chùa có năm ngôi tháp, một ngôi của cụ Tự Thông Vạn, một ngôi cụ Tự Đàm Xuyên, một ngôi chưa xác định danh tính, hai ngôi chưa sử dụng.
11chua aq.jpg

Hình ảnh các ngôi tháp tại chùa

Chùa An Quý có khởi nguồn tạo dựng từ thời Lê Triều Chính Hoà trải qua trên 300 trăm năm tồn tại, qua những biến đổi thăng trầm của lịch sử dân tộc, chùa cũng có nhiều đổi thay về diện mạo. Lịch sử dân tộc đổi thay, chùa cũng có nhiều đổi thay về diện mạo kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên. Tuy nhiên, dấu ấn lịch sử hình thành của chùa còn ẩn tàng trong các di vật hiện còn. Tuy số lượng không nhiều nhưng những di vật hiện còn đều mang giá trị nghệ thuật tiêu biểu, phản ánh sự trường tồn của một ngôi chùa cổ.

Chùa An Quý là một trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của một cộng đồng dân cư và là nguồn sử liệu quý giá mang giá trị lịch sử về sự tồn tại của làng An Quý. Đây cũng là nguồn sử liệu góp phần nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử phát triển của đạo Phật phái thiền tông trên vùng đất phía Đông Nam tỉnh Hải Dương thế kỷ XVII – XIX.

Chùa An Quý, tên chữ Bảo Ân Tự (Chùa Bảo Ân) đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương xếp hạng di tích lịch sử Văn hoá cấp tỉnh vào năm 2004.​